Mặc dù việc tổ chức triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 2 xã Tam Thăng và Tam Phú còn gặp nhiều khó khăn, song dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, hành động quyết liệt, hiệu quả của UBND, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, đặc biệt là sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân nên kết quả thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra. Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp tiếp tục có bước phát triển, giáo dục, y tế được quan tâm; công tác giảm nghèo thực hiện có hiệu quả, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Từ năm 2022 đến nay, xã Tam Thăng đã được phê duyệt Phương án thôn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025 gồm 4/8 thôn (đã phát động tại thôn Vĩnh Bình), trình thành phố phê duyệt Phương án điều chỉnh theo bộ tiêu chí mới 3 thôn Kim Đới, Thạch Tân, Mỹ Cang và phê duyệt Kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 trên địa bàn xã. Năm 2022- 2023, xã đã đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn từ nguồn khớp nối hạ tầng kỹ thuật theo Nghị quyết 269 và các nguồn khác trên 20,6 tỷ đồng.
Qua thực hiện theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2022- 2025 trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 2072/QĐ-UBND ngày 09/8/2022 của UBND tỉnh thì đến nay Tam Thăng có 14/19 tiêu chí duy trì đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí mới; còn 5 tiêu chí không duy trì đạt chuẩn gồm: Tiêu chí số 2 (về Giao thông); tiêu chí số 13 (về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn); tiêu chí số 15 (về Y tế); tiêu chí số 17 (về Môi trường và an toàn thực phẩm); tiêu chí số 19 (về Quốc phòng và an ninh). Thực hiện theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 2333/QĐ-UBND ngày 08/9/2022 của UBND tỉnh thì hiện tại Tam Thăng có 12/19 tiêu chí đạt chuẩn; 7 tiêu chí chưa đạt gồm: Tiêu chí số 2 (về Giao thông); tiêu chí số 13 (về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn); tiêu chí số 14 (về Y tế); tiêu chí số 16 (về Tiếp cận pháp luật); tiêu chí số 17 (về Môi trường); tiêu chí số 18 (về Chất lượng môi trường sống); tiêu chí số 19 (về Quốc phòng và An ninh).
Đoàn giám sát tại xã Tam Phú
Đối với xã Tam Phú, năm 2023, UBND xã xây dựng 02 mô hình nông nghiệp chuyển đổi kinh tế đã được UBND thành phố Tam Kỳ đưa vào Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 gồm (mô hình sản xuất lúa giống hữu cơ tại thôn Ngọc Mỹ và mô hình trồng Bắp tại thôn Phú Thạnh, trồng Lạc tại thôn Phú Quý. Đến nay, xã đã lập kế hoạch Phương án “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu” giai đoạn 2022-2025 gồm 7/7 thôn. Năm 2022- 2023 đã đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn từ nguồn khớp nối hạ tầng kỹ thuật theo Nghị quyết 269/NQ-HĐND và các nguồn hợp pháp khác trên 28 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp tiếp tục có bước phát triển, giáo dục, y tế được quan tâm; công tác giảm nghèo thực hiện có hiệu quả, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Kết quả duy trì tiêu chí xã Nông thôn mới có 17/19 tiêu chi đạt và có 02/19 tiêu chi chưa đạt. Cụ thể: Tiêu chí 13 về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Tiêu chí 15 về Y tế. Kết quả tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao có 9/19 tiêu chí đạt chuẩn. Có 10/19 tiêu chí chưa đạt chuẩn, cụ thể: Tiêu chí số 2 về Giao thông; Tiêu chí số 3 về Thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai; Tiêu chí số 5 về Giáo dục;; Tiêu chí số 10 về Thu nhập; Tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Tiêu chí số 14 về Y tế; Tiêu chí số 16 về Tiếp cận pháp luật; Tiêu chí số 17 về Môi trường; Tiêu chí số 18 về Chất lượng môi trường sống và Tiêu chí số 19 về Quốc phòng và An ninh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn những hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới cũng đã được địa phương nhìn nhận cụ thể, đó là việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong doanh nghiệp và người dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn; công tác tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện chương trình có lúc, có việc hiệu quả chưa cao; vai trò chủ thể của người dân chưa được phát huy đầy đủ; xây dựng các mô hình nông thôn mới còn chung chung. Do đó, Đoàn giám sát của UBMT thành phố yêu cầu địa phương tập trung khắc phục các hạn chế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát huy vai trò của người dân - chủ thể quan trọng trong tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành theo lộ trình đặt ra, góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao trên toàn địa bàn thành phố.