Vùng đất con người Tam Kỳ

Vị trí địa lý:                                                             

Tam Kỳ là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp huyện Núi Thành, phía Bắc giáp huyện Phú Ninh và Thăng Bình, phía Tây giáp huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp biển Đông. Tam Kỳ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học của tỉnh Quảng Nam, là địa phương có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng.

*Diện tích, dân số:

Hiện nay, thành phố Tam Kỳ gồm 13 đơn vị xã, phường (9 phường, 04 xã đó là: Phường Tân Thạnh, Hòa Thuận, An Mỹ, An Sơn, An Xuân, Hòa Hương, Phước Hòa, An Phú, Trường Xuân và xã Tam Ngọc, Tam Phú, Tam Thăng, Tam Thanh) với diện tích tự nhiên là 9.263,56 ha, dân số 109.888 người (số liệu cuối năm 2011).

Đặc điểm địa lý:

Tên gọi “Tam Kỳ” cũng được định vị theo hình sông thế núi của vùng đất này, nơi có ba gò đất cao cùng ngã ba sông. Nhìn từ ngoài biển vào sẽ thấy 3 gò đất cao nhô lên thành hình tam giác: núi An Hà, Quảng Phú và Trà Cai. Khi định vị từ 3 ngọn núi, thuyền sẽ vào cửa sông và gặp bến đò, nơi có ba ngả rẽ: sông Tam Kỳ, sông Trường Giang và sông Bàn Thạch. Nằm ở đồng bằng ven biển, Tam Kỳ hình thành 02 vùng rõ rệt: vùng ven biển gồm các xã Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Phú; vùng đồng bằng gồm các xã, phường nằm dọc đường quốc lộ 1A, đường sắt. Tam Kỳ có nhiều núi thấp xen kẽ với đồng ruộng và khu dân cư như: núi đất Quảng Phú, An Hà (Tam Phú), núi Quánh (Tam Ngọc)....

* Khí hậu:

Tam Kỳ thuộc vùng khí hậu duyên hải. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 260C, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 249mm, giờ nắng trung bình trong ngày 5-9 giờ, độ ẩm trung bình trong năm 84%. Do vậy, bão lụt, hạn hán thường xãy ra, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế- xã hội của địa phương.

* Giao thông:

Giao thông ở Tam Kỳ có nhiều thuận lợi. Ngoài tuyến đường quốc lộ 1A và đường sắt Bắc- Nam chạy xuyên qua địa phương, Tam Kỳ còn có đường liên huyện: Tam Kỳ- Phú Ninh- Tiên Phước- Trà My, Tam Kỳ- Phú Ninh- Hiệp Đức.....Nhìn chung, các tuyến giao thông đường biển, đường bộ, đường sắt đã tạo điều kiện cho Tam Kỳ mở rộng việc tiếp xúc, giao lưu, phát triển kinh tế và văn hóa giữa các vùng, miền trong và ngoài tỉnh.

*Sinh hoạt văn hóa và một số đặc điểm nổi bật của người dân Tam Kỳ:

Cũng như nhiều địa phương khác ở Nam Trung bộ, cư dân Tam Kỳ, đại bộ phận là nông dân nghèo ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung bộ di cư vào; một số người do đấu tranh chống triều đình phong kiến bị bắt đày vào đây; một số khác là tù binh trong cuộc nội chiến Trịnh- Nguyễn. Đời nọ kế tiếp đời kia, đã hun đúc nên những truyền thống tốt đẹp của người dân Tam Kỳ. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, tính cộng đồng dân tộc và tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái; tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường; ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, chống áp bức bóc lột và bất công xã hội, thể hiện khá đầy đủ phẩm chất cao quý của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Các thế hệ người dân ở Tam Kỳ đã sáng tạo, vun đắp, lưu truyền một nền văn hóa phong phú và đa dạng, vừa thể hiện đặc điểm văn hóa của cả nước, của cả vùng, vừa thể hiện đặc trưng của địa phương. Đặc sắc là văn hóa Chămpa và sự kết hợp văn hóa Việt-Chăm. Vượt qua sự tàn phá của chiến tranh, của thiên nhiên, của thời gian, trên đất Tam Kỳ vẫn còn lưu giữ nhiều di tích văn hóa nổi tiếng. Đó là những đình làng được xây dựng từ xa xưa để thờ cúng tổ tiên hoặc tế lễ, hội hè như: đình Phương Hòa (phường Hòa Thuận), đình Mỹ Thạch (phường Tân Thạnh), đình Hương Trà (phường Hòa Hương)....có giá trị cao về kiến trúc, lịch sử.

Nhân dân Tam Kỳ còn nổi tiếng là hiếu học. Ngay từ đầu thế kỷ XIX (năm 1824), ở Tam Kỳ đã có trường huấn học. Dưới thời thực dân Pháp cai trị, cùng với các trường làng, Tam Kỳ còn có trường Pháp- Việt vừa dạy tiếng Việt, vừa dạy tiếng Pháp. Học sinh trường này về sau có nhiều người tham gia các phong trào yêu nước chống Pháp và trở thành những chiến sỹ cộng sản kiên cường của Đảng bộ Tam Kỳ. Ngày nay, trên địa bàn thành phố Tam Kỳ đã có trên 50 trường học, bao gồm đầy đủ các cấp học, bậc học, có cả trường Đại học, các trường Cao đẳng, Trung cấp, Trung tâm giáo dục thường xuyên, các Trung tâm học tập cộng đồng.

Các sinh hoạt văn hóa ở Tam Kỳ vừa mang tính đặc trưng văn hóa Trung Bộ, vừa phản ánh sắc thái riêng của một vùng quê giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Tam Kỳ là địa phương có phong trào sáng tác văn thơ khá phong phú. Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các nhà Nho yêu nước ở Tam Kỳ đã thông qua những áng văn thơ tố cáo, vạch mặt chính sách đô hộ dã man của thực dân phong kiến, ca ngợi những tấm gương bất khuất trong các phong trào yêu nước. Hiện nay, ở thành phố đã thành lập Hội văn học nghệ thuật thành phố với vài chục hội viên hoạt động khá phong phú, sôi nổi. Ở Tam Kỳ còn phát triển các hình thức hát bộ, hát đưa đò, hát ru em....và nhiều lễ, hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc của một vùng quê Trung Bộ.

* Lịch sử hình thành:

Trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, cùng với sự thay đổi của tổ chức hành chính đất nước, Tam Kỳ cũng có những thay đổi về địa giới và tên gọi. Trước thế kỷ XV, đây vốn là vùng đất Chiêm Động của vương quốc cổ Chămpa. Thế rồi trong quá trình mở nước vào phương Nam của dân tộc, vùng đất này từng bước được sáp nhập vào lãnh thổ của Đại Việt dưới nhiều tên gọi khác nhau: Là vùng đất thuộc châu Hoa dưới thời nhà Hồ (1400-1406); đến năm 1471, Vua Lê Thánh Tông lập thành huyện Hà Đông, cùng với sự ra đời của Thừa tuyên Quảng Nam; năm 1841, đời vua Thiệu Trị, huyện Hà Đông trực thuộc Phủ Thăng Hoa (sau đó đổi thành Phủ Thăng Bình); năm 1906, đời vua Thành Thái thứ 18, huyện Hà Đông tách khỏi Phủ Thăng Bình, đổi thành Phủ Tam Kỳ; sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, được gọi là huyện Tam Kỳ; ngày 30/01/1951, Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung bộ đã ra Nghị định số 241-MNS thành lập thị xã Tam Kỳ, sau đó giải thể thị xã để lập xã đặc biệt Tam Kỳ. Từ năm 1962, dưới thời Mỹ- Ngụy, vùng đất này thuộc quận Tam Kỳ của tỉnh Quảng Tín, nhưng là thị xã Tam Kỳ, thuộc tỉnh Quảng Nam theo cách gọi của ta (từ năm 1963). Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975), huyện Tam Kỳ được tái lập bao gồm cả 03 đơn vị hành chính là: huyện Nam Tam Kỳ, huyện Bắc Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ. Để phù hợp với sự phát triển trong thời kỳ mới, ngày 03/12/1983, theo Quyết định số 144/QĐ-HĐBT của Hội Đồng Bộ Trưởng (nay là Chính Phủ) chia huyện Tam Kỳ thành 02 đơn vị hành chính là: thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Ngày 05/01/2005, theo Nghị định số 01/2005/NĐ-CP của Chính Phủ, Tam Kỳ được chia tách thành 02 đơn vị hành chính là: thị xã Tam Kỳ và huyện Phú Ninh. Ngày 29/9/2006, theo Nghị định số 113/2006/NĐ-CP, Tam Kỳ đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam

  Ý kiến bạn đọc

DDK
DTC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây